14 T11
2019

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp, nhưng trong 45 năm qua các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện đã có rất nhiều cố gắng phát huy vai trò của một viện nghiên cứu.

Đã có gần hơn 850 đề tài các cấp đã được thực hiện. Riêng cố Giáo sư Trần Hữu Tước đã có đến 28 công trình nghiên cứu khoa học lớn nhỏ, trong đó có 6 công trình được Nhà nước tặng thưởng. Các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện đã được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Đặc biệt từ năm 2009, Bệnh viện đã phối hợp cùng với Hội Tai Mũi Họng Việt Nam cho ra đời Tạp Chí Tai Mũi Họng Việt Nam, trên cơ sở phát triển từ Nội san Tai Mũi Họng đã được xuất bản từ những năm 1960. Tạp chí là phương tiện đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học của ngành để phổ biến đến các đồng nghiệp. Năm 2010 tạp chí đã được cấp mã số ISSN để đánh dấu sự hội nhập của ngành Tai Mũi Họng với quốc tế.

Các kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo các cán bộ của Bệnh viện và của ngành, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong cả nước. Các nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là các điều trị bảo tồn và phục hồi chức năng trong Tai Mũi Họng, Bệnh viện cũng phát triển các chuyên khoa sâu trong ngành đem lại hiệu quả ngày càng cao trong công tác điều trị. Những công trình khoa học được báo cáo tại các hội nghị quốc tế hoặc đăng trên tạp chí nước ngoài giúp cho bạn bè thế giới hiểu về sự phát triển của ngành Tai Mũi Họng Việt Nam nâng cao uy tín của Bệnh viện, của ngành Tai Mũi Họng Việt Nam.

So với các thời kỳ trước, giai đoạn từ 1999 đến nay có thể được coi là bước phát triển nhảy vọt về công tác nghiên cứu khoa học. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bệnh viện đã thành lập Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Đào tạo, được tách ra từ một bộ phận của phòng Kế hoạch Tổng hợp. Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Đào tạo trở thành phòng chức năng riêng biệt, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, phòng đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách quy củ theo đúng kế hoạch đề ra.

Hàng năm, Bệnh viện thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở (trung bình 15 đề tài/năm). Các đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ triển khai từ giai đoạn trước đã được nghiệm thu và tổng kết thành công. Với ưu thế nhân lực ngày càng được cải thiện cả về lượng và chất, Bệnh viện đã được Bộ Y tế phân công thực hiện thêm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Về Đề tài cấp Bộ:

- Dị hình thanh khí quản, ứng dụng và đánh giá các phương pháp điều trị.

- Nghiên cứu dịch tễ học viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ em lứa tuổi nhà trẻ.

- Điều chế, tiêu chuẩn hoá, nghiên cứu bụi bông và ứng dụng trong lâm sàng.

- Nghiên cứu bệnh giọng thanh quản ở giáo viên tiểu học.

- Nghiên cứu mô hình bệnh tật tai mũi họng tuổi học sinh ở Hà Nội.

- Phục hồi chức năng phát âm ở bệnh nhân sau cắt thanh quản.

- Nghiên cứu và điều trị viêm mũi xoang ở trẻ em kết hợp chụp cắt lớp vi tính.

- Nghiên cứu pha IV đánh giá an toàn của Avamys 110mcg xịt mũi.

- Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị u nhú mũi xoang.

- Nghiên cứu ứng dụng Laser C02 trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn T1, T2.

- Xây dựng quy trình chẩn đoán và phác đồ xử trí chảy máu mũi khó cầm sau chấn thương

Về đề tài cấp Nhà nước:

- Năm 2009 Bệnh viện là cơ quan phối hợp chính đã thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu sản xuất dị nguyên, ứng dụng trong điều trị hen phế quản, viêm mũi dị ứng”. Bệnh viện đảm trách chủ nhiệm đề tài và 4/7 nhánh đề tài, tương đương với 4 đề tài cấp Bộ, hoàn thành năm 2011.

- Năm 2014, Bệnh viện làm chủ trì thực hiện đề tài Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến điều trị một số bệnh tai mũi họng” - mã số KC10.40/11-15 gồm 3 nhánh : Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật nội soi có sử dụng định vị trong điều trị các bệnh lý u xoang sàng bướm ; Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật nội soi có sử dụng định vị trong điều trị các bệnh lý viêm xoang sàng bướm; Nghiên cứu xây dựng quy trình cấy điện cực ốc tai đa kênh, đa điện cực điều trị điếc bẩm sinh.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Bệnh viện đã tổ chức nhiều Hội nghị khoa học cấp quốc gia, khu vực, quốc tế nhằm công bố những thành tựu nghiên cứu của Bệnh viện, đồng thời giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp Tai Mũi Họng trong nước và quốc tế.

- Năm 2001: Hội nghị Pháp Việt về Tai Mũi Họng và đầu cổ lần thứ 5.

- Năm 2005: Hội nghị toàn quốc về Tai Mũi Họng với chủ đề “ Hội nhập và phát triển”

- Năm 2006: Hội nghị ngành Tai Mũi Họng toàn quốc, có sự tham gia của hơn 400 Giáo sư, Bác sỹ trong ngành Tai Mũi Họng.

- Tháng 8 năm 2007: Bệnh viện tham gia cùng Hội nghị Tai Mũi Họng ASEAN lần thứ XII. Đây là Hội nghị Quốc tế có 27 nước tham dự. Bệnh viện đã có 18 báo cáo khoa học tham gia Hội nghị.

- Tháng 10 năm 2008: Hội nghị Pháp Việt lần thứ IX cùng với Hội Tai Mũi Họng Pháp do GS Patrie Trần Bá Huy dẫn đầu, có sự tham gia của hơn 200 Giáo sư, Bác sỹ Tai Mũi Họng Pháp và Việt Nam.

- Tháng 10 năm 2009: Hội nghị Tai Mũi Họng chào mừng 40 năm thành lập Bệnh viện được tổ chức và có trên 40 bài báo cáo khoa học.

- Năm 2011: Phối hợp cùng Hội Tai Mũi Họng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng toàn quốc tại Huế với chủ đề “Thành tựu và triển vọng”

- Năm 2012 : Phối hợp cùng Hội Tai Mũi Họng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng toàn quốc tại Huế với chủ đề “Cùng nhau phát triển”

- Tháng 11 năm 2013:TỔ chức Hội nghị Tai Mũi Họng toàn quốc tại Quảng Ninh

- Tháng 3 năm 2014: Hội nghị Pháp Việt về Tai Mũi Họng và đầu cổ phối hợp cùng tổ chức AMPHORE, có hơn 30 giáo sư, bác sỹ Tai Mũi Họng Pháp và hơn 100 giáo sư, bác sỹ Tai Mũi Họng Việt Nam tham dự.

Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng thường xuyên cử các đoàn cán bộ đi tham dự các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước và có báo cáo tại các Hội nghị khoa học quốc tế, như Hội nghị Tai Mũi HọngASEAN 2005, Hội nghị Mũi xoang Châu ÁThái Bình Dương...