27 T08
2020

Dị vật thực quản viên pin – hiểm họa khó lường

Sản phẩm pin phát điện được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng được sử dụng hầu hết trong các sản phẩm gia dụng như đồng hồ, điều khiển điều hòa, tivi và đặc biệt là trong các loại đồ chơi trẻ em.

Pin sử dụng cho các loại đồ chơi trẻ em chủ yếu là loại pin có hình dạng tròn dẹt hay còn được gọi là pin hình cúc áo có kích thước phổ biến là từ 10 cho đến 20mm. Với kích thước như vậy thì trẻ em  khi cầm chơi viên pin cũng rất dễ dàng nuốt và viên pin có thể mắc lại tại thực quản. Tại bệnh viện Tai Mũi Họng TW, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 5 ca dị vật thực quản viên pin.


Hình ảnh dị vật cản quang viên pin thực quản cổ (14/8/2020)

Ngày 14/08/2020 bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp cháu bé 14 tháng tuổi bị hóc dị vật thực quản viên pin hình cúc áo giờ thứ 8. Sau khi được soi gắp lấy dị vật, kiểm tra thấy tại vị trí viên pin mắc lại đã có hiện tượng viêm hoại tử của thực quản. Đây thực sự là một tình trạng cấp cứu trong tai mũi họng, bởi khác với những dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại thực quản,  dị vật sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dần dần các lớp giải phẫu của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản hoặc để lại di chứng hẹp thực quản về sau này. Sở dĩ dị vật viên pin lại gây tổn thương nhanh và nặng đến như vậy là do cơ chế: khi viên pin nằm lại ở thực quản nó vẫn còn hoạt động và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại thực quản. Đồng thời tình trạng của bệnh nhân còn có thể bị nặng hơn do hiện tượng nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác bị rò rỉ ra từ viên pin.

Hình ảnh nội soi viên pin trong thực quản và niêm mạc thực quản bị viêm hoại tử

Viên pin khi được các Bác sỹ soi gắp ra

Triệu chứng của hóc viên pin thường là rất nghèo nàn hoặc là không có, ở giai đoạn đầu thông thường chỉ là triệu chứng nuốt vướng. Cho tới khi xuất hiện biến chứng, bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng trong số những triệu chứng sau: xuất hiện trạng thái tinh thần bị kích thích như hồi hộp lo lắng, sốt nhẹ, nôn mửa, xuất tiết nước bọt liên tục, đau bụng, đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Trong một số trường hợp có thể  xuất hiện ban sẩn ngứa ở ngoài da do cơ thể bị dị ứng với các thành phần kim loại nặng có ở viên pin như kẽm, thủy ngân, chì, nickel ... Nếu để quá lâu, bệnh nhân có thể có tình trạng sốc nhiễm độc hoặc sốc mất máu do hoại tử vỡ các mạch máu lớn ở gần thực quản.

Trong trường hợp phát hiện thấy trẻ nuốt phải viên pin, việc đầu tiên cần làm là: đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng gần nhất, nếu có thể cần xác định thời gian hóc, chủng loại, đường kính viên pin để báo cáo với thầy thuốc. Thời gian đến viện càng sớm thì càng ít biến chứng xảy ra, chủng loại pin là pin Lithium và có đường kính trên 20mm sẽ dẫn tới những tổn thương thực quản nặng nề hơn. Do đó, việc xác định kích thước và chủng loại pin cũng như thời gian hóc rất có ý nghĩa trong việc tiên lượng bệnh.

Tại cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được chụp X quang để xác định vị trí dị vật. Nếu dị vật còn mắc lại ở thực quản bệnh nhân sẽ được nội soi gắp dị vật bằng ống soi thực quản cứng hoặc mềm sớm nhất có thể. Sau soi gắp bệnh nhân được nuôi dưỡng qua sonde dạ dày tối thiểu là 5 ngày. Nếu viên pin đã trôi xuống dạ dày (được xác định bởi chụp X quang), cần được theo dõi sát cho tới khi dị vật được đào thải ra ngoài theo con đường tự nhiên (thông thường trong khoảng 24 -72 giờ). Trong thời gian theo dõi cần chụp X quang bụng không chuẩn bị hàng ngày để xác định sự di chuyển dị vật một cách liên tục và có hệ thống.

Thông thường nếu được xử trí kịp thời, dị vật thực quản viên pin ít gây biến chứng. Tỷ lệ gặp các biến chứng ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thường cao hơn các nhóm tuổi khác. Các biến chứng bao gồm: thủng thực quản, chảy máu do hoại tử vỡ các mạch máu ở xung quanh thực quản, nhiễm độc kim loại nặng. Các biến chứng trên hiếm gặp, nếu có thường gây ra tỷ lệ tử vong cao, phần lớn các ca có biến chứng thường xảy ra ở trẻ quá nhỏ và không được can thiệp y tế chuyên khoa kịp thời. Dị vật thực quản viên pin thường để lại di chứng hẹp hoặc dính thực quản (là hậu quả của bỏng thực quản), việc điều trị các di chứng này cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Đồng thời những di chứng nêu trên cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và khả năng hòa nhập xã hội của bệnh nhân.

Tóm lại, dị vật thực quản viên pin là một tình trạng cấp cứu tối cấp trong tai mũi họng do nó có thể gây các biến chứng nặng ảnh hưởng tới tính mạng trong thời gian ngắn và để lại di chứng nặng nề. Việc phòng tránh một cách tích cực dị vật thực quản viên pin ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày các bậc phụ huynh, các nhân viên bảo mẫu tại các vườn trẻ cần hết sức lưu ý kiểm soát không để trẻ cầm chơi hoặc ngậm những viên pin nhỏ có hình dạng như cúc áo. Cần thường xuyên kiểm tra tình trạng hộc chứa pin ở vật dụng trong gia đình như điều khiển ti vi, đồng hồ, đặc biệt là những đồ chơi có sử dụng pin. Nếu phòng tránh và kiểm soát tốt chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những tai biến nguy hiểm của dị vật viên pin có thể gây ra cho con em của mình.

Tin bài: BS Nguyên Trần Lâm – khoa Nội soi – BV TMH Trung ương