12 T08
2021

Người dân có tâm lý e ngại đến Bệnh viện trong mùa dịch

Lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhất là khi đã có nhiều trường hợp nhiễm bệnh do nguồn lây từ bệnh viện. Chính vì điều này, nhiều người dân phát sinh tâm lý hoang mang, e ngại đến bệnh viện mà tự mua thuốc để sử dụng mỗi khi có vấn đề về sức khỏe. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người bệnh.

Tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến ngày càng phức tạp, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại hầu hết các cơ sở y tế đều giảm trong thời gian gần đây, cho dù các đơn vị đã tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng và kiểm soát chặt chẽ lây nhiễm COVID-19 để đảm bảo an toàn.

Cũng như nhiều bệnh viện khác trong cả nước, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương ghi nhận sự sụt giảm đáng kể người dân đến khám chữa bệnh tại đây. Nguyên nhân được cho là do tâm lý lo sợ, e ngại đến bệnh viện khi đã có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà nguồn lây phát sinh từ bệnh viện.

Ngại đến bệnh viện do dịch bệnh

Hiện nay, hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên tất cả người bệnh đến đều được hướng dẫn khai báo y tế, sàng lọc để đảm bảo an toàn phòng dịch. Số lượng người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện trong thời gian vừa qua đã sụt giảm khoảng 50-70% so với những ngày chưa có dịch COVID-19. Thông thường việc giảm lượng bệnh nhân đến bệnh viện là tín hiệu vui vì sức khỏe của người dân ổn định, tuy nhiên nếu như người dân có bệnh nhưng vì lo ngại dịch bệnh Covid mà không đến bệnh viện để khám chữa bệnh kịp thời thì là điều rất nguy hiểm.

Anh Nguyễn Hưng C. (37 tuổi, ngụ tại Dương Nội, Hà Đông, TP.Hà Nội) – một bệnh nhân đến lịch tái khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương – chia sẻ: “Tôi bị viêm xoang và viêm tai giữa. Hôm nay đến lịch tái khám nhưng tôi cũng chần chừ mãi mới quyết định đi. Do có nhiều ca lây nhiễm Covid từ bệnh viện, một số bệnh viện còn bị phong tỏa,…người nhà cũng cản bảo không nên đến khám vào thời điểm này nên tôi cũng rất lo sợ”.

Hậu quả không khám bệnh và điều trị kịp thời

Giống như trường hợp của anh C., hiện nay có nhiều trường hợp người bệnh do lo ngại nên không đi khám định kỳ, hay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường lại tự ý mua thuốc sử dụng mà không đến bệnh viện. Điều này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe cũng như sự an toàn của người bệnh nhất là đối tượng trẻ nhỏ, diễn biến bệnh nhanh, dễ xảy ra biến chứng để lại hậu quả lâu dài.

Bác sĩ cao cấp Hoàng Đình Ngọc – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khuyến cáo người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị, nên đến bệnh viện khám chữa bệnh khi có bệnh: “Nếu chúng ta có bệnh mà không đi khám sẽ dẫn đến những tác hại tiêu cực đến sức khỏe. Người bệnh cần đến thăm khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.”

Theo Bác sĩ cao cấp Nguyễn Thị Khánh Vân - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương: “Có những bệnh nếu chúng ta không điều trị sớm sẽ mất cơ hội vàng có thể chữa được, ví dụ như nghe kém đột ngột cần phải khám và điều trị tức thì để không ảnh hưởng đến kết quả điều trị; các bệnh viêm tấy quanh Amiđan cấp nếu không chữa trị ngay sẽ hình thành ổ áp xe phải chích rạch, nếu muộn quá có thể sẽ gây ra nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng; hay những bệnh lý cấp tính không được điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính thì rất khó chữa và tốn kém rất nhiều lần,…”

TS.BS cao cấp Nguyễn Thị Khánh Vân - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám cho người bệnh

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương với công tác phòng chống dịch COVID-19

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương là một trong những Bệnh viện đạt tiêu chuẩn Bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch theo tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế. Quy trình, kịch bản đã được xây dựng nhằm sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp sát sao, quyết liệt của Bộ Y tế cũng như của UBNDTP Hà Nội, các Bệnh viện Trung ương nói chung và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương nói riêng đã chuẩn bị công tác phòng chống dịch tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Xét nghiệm nhanh Covid tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường trên cả nước đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam như hiện nay, người bệnh lo lắng như vậy là rất chính đáng. Nguy cơ từ dịch bệnh là rất lớn, vì vậy ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, Bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó, đồng thời triển khai, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy trình phòng dịch ở tất cả các khâu, các vị trí then chốt nhằm đảm bảo KCB an toàn cho người dân và nhân viên y tế. Ban Chỉ đạo họp giao ban hàng tuần để đánh giá thực trạng công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện, đưa ra các giải pháp cải thiện, ứng phó cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Hàng tháng, Bệnh viện đánh giá, chấm điểm, báo cáo các tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch do Bộ Y tế ban hành.

Công tác sàng lọc, phân luồng được bệnh viện chú trọng. Người bệnh được đo thân nhiệt, kê khai y tế, phân luồng ngay khi đến khám và được truyền thông, nhắc nhở thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện. Những trường hợp đến từ vùng dịch hoặc có các biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp được phân luồng và khám tại khu vực khám sàng lọc bố trí tại vị trí biệt lập và được xét nghiệm nhanh COVID-19 để kịp thời xử trí khi có nguy cơ.

Người bệnh nếu có chỉ định phẫu thuật hoặc vào điều trị nội trú được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time-PCR để đảm bảo an toàn phòng dịch cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình điều trị tại Bệnh viện. Nhân viên y tế được xét nghiệm định kỳ và quán triệt ý thức phòng dịch trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng luôn ý thức “Bệnh viện là thành trì cuối cùng” trong phòng chống dịch COVID-19, từ đó nâng cao việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, thân nhân, đồng nghiệp, người bệnh và cộng đồng.

Với các biện pháp phòng, chống dịch toàn diện nhằm đảm bảo sự an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất như vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, tránh những biến chứng hoặc bỏ lỡ cơ hội vàng trong chữa bệnh nhất là các bệnh hiểm nghèo nhằm tránh để lại hậu quả lâu dài cho bản thân.”

Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện