12 T09
2019

Ứng dụng thiết bị bảo vệ dây thần kinh gây méo mặt, mất giọng nói cho bệnh nhân phẫu thuật vùng đầu mặt cổ

Đây cũng là lần đầu tiên thiết bị này được ứng dụng tại Bệnh viện Tai mũi họng TW, góp phần làm cho cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn bới các phẫu thuật viên được “báo động” vị trí các dây thần kinh quan trọng đặc biệt của bệnh nhân vùng đầu mặt cổ để tránh không chạm vào. Đồng thời, người bệnh được bảo vệ nhiều hớn...

Dây thần kinh số 7 và quặt ngược: Nỗi "ám ảnh" của phẫu thuật viên

Nam bệnh nhân Lê Văn L. 40 tuổi ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội có biểu hiện khó chịu vùng cổ đã lâu, mãi gần đây mới đến thăm khám tại Bệnh viện Tai mũi họng TW. Qua thăm khám và chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm, chụp  XQ, siêu âm, các bác sĩ cho biết bệnh nhân có u tuyến giáp theo dõi ung thư.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Sóc Sơn- Hà Nội ở bị viêm tai giữa xương chũm Cholesteatoma  (một loại bệnh tích đặc biệt trong bệnh cảnh của viêm tai giữa mạn tính) trong một thời gian dài, gần đây tình trạng của bệnh nhân nặng thêm. Bệnh nhân đã được các bác sĩ chỉ định nên phẫu thuật để có thể chấm dứt được tình trạng viêm mạn tính tai giữa.

ung-dung-thiet-bi-bao-ve-day-than-kinh-gay-meo-mat-mat-giong-noi-cho-benh-nhan-phau-thuat-vung-dau-mat-co-1

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh- Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TW cùng các cộng sự ứng dụng thiết bị dò thần kinh trong ca phẫu thuật cho nam bệnh nhân Lê Văn L.

Cả hai bệnh nhân này đều được các bác sĩ của Bệnh viện Tai mũi họng TW ứng dụng máy dò thần kinh trong phẫu thuật tai mũi họng và đầu mặt cổ vào quá trình phẫu thuật. Các ca phẫu thuật diễn ra ngày 30/7, được truyền hình trực tuyến từ phòng mổ đến hội trường của Bệnh viện để các thầy thuốc tham dự hội thảo khoa học "Cập nhật kiến thức chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật mới vào phẫu thuật bệnh lý đầu mặt cổ" được học tập, trao đổi.

Theo PGS. TS Phạm Tuấn Cảnh- Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TW, vùng mặt cổ có 12 đôi dây thần kinh chức năng, nhưng dây thần kinh số 7 và dây thần kinh quặt ngược luôn là nỗi “ám ảnh” với các phẫu thuật viên bởi chúng sẽ gây các tai biến nặng nề cho bệnh nhân nếu bị tổn thương trong cuộc mổ.

 

Trong đó, dây thần kinh 7 đi một đoạn dài trong tai, bệnh nhân mổ tai nếu bị tổn thương sẽ gây liệt mặt, méo mặt, mồm méo khiến cho mặt mất cân đối, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.

Với các bệnh nhân phẫu thuật vùng cổ như mổ tuyến giáp, hay phẫu thuật bệnh lý thanh quản nếu không được kiểm soát tốt sẽ có thể gây tổn thương dây thần kinh quặt ngược, khiến bệnh nhân khản tiếng, thậm chí còn có thể không nói được.

“Nếu tổn thương cả đôi dây thần kinh quặt ngược còn ảnh hưởng đến hô hấp của người bệnh vì khi hai dây thần kinh này khép chặt vào nhau sẽ khiến cho bệnh nhân không thở được. Lúc đó, bác sĩ sẽ phải mở một lỗ tại vùng cổ để bệnh nhân thở. Như vậy thì coi như bệnh nhân bị tàn phế”- PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nói.

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh- các bệnh lý về đầu mặt cổ, đặc biệt là tai, thanh quản, tuyến giáp đang ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, các phẫu thuật viên của Bệnh viện tiến hành phẫu thuật cho khoảng 30-35 bệnh nhân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát các tổn thương dây thần kinh trong cuộc mổ luôn được các phẫu thuật viên chú trọng tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tai biến này, đặc biệt nguy cơ tai biến cao hơn trong các trường hợp mổ lại, ; hoặc trong trường hợp mổ khối , trường hợp  ung thư phải nạo vét hạch di căn hoặc phải cắt khối u ác tính đã xâm lấn  rộng …khiến cho việc xác định vị trí dây thần kinh này trở nên khó khăn hơn.

"Báo động" vị trí các dây thần kinh quan trọng, cuộc mổ nhanh hơn, bảo vệ người bệnh nhiều hơn

Để nâng cao chất lượng phẫu thuật cho bệnh nhân, Bệnh viện Tai mũi họng TW đã ứng dụng thiết bị cho phép nhận biết và định vị vị trí các dây thần kinh, từ đó giúp cho các phẫu thuật viên tránh gây tổn thương đến các dây thần kinh quan trọng như dây thần kinh số 7 và dây thần kinh quặt ngược, bảo toàn nguyên vẹn các chức năng.

Có nghĩa là khi phẫu thuật viên đang tiến hành phẫu thuật mà gần đến vị trí của các dây thần kinh quan trọng này thì thiết bị này sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo để phẫu thuật viên không chạm vào các dây thần kinh đó. Như vậy, bệnh nhân sẽ không có nguy cơ bị tai biến méo mặt tổn thương dây thần kinh số 7 khi phẫu thuật bệnh lý về tai; không bị mất giọng nói do tổn thương dây thần kinh quặt ngược do phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp.

ung-dung-thiet-bi-bao-ve-day-than-kinh-gay-meo-mat-mat-giong-noi-cho-benh-nhan-phau-thuat-vung-dau-mat-co-2

TS Nguyễn Hoàng Huy- Trưởng Khoa Tai cùng các cộng sự ứng dụng thiết bị dò thần kinh trong ca phẫu thuật viêm tai giữa mạn tính cho nữ bệnh nhân ở Sóc Sơn- Hà Nội

Giải thích thêm về vai trò của thiết bị này trong phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, khi phẫu thuật tuyến giáp, việc đầu tiên các phẫu thuật viên phải làm là tìm dây thần kinh quặt ngược để tránh va chạm vào và bảo tồn dây thần kinh này trước khi cắt toàn bộ u tuyến giáp.

Đặc biệt trong trường hợp bị ung thư tuyến giáp, khi khối u xâm lấn vào sát các dây thần kinh này hay các trường hợp mổ lại. Thường ung thư tuyến giáp kèm theo nạo vét hạch. Việc nạo vét hạch này thường rộng và trong khi nạo vét thì nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh này rất cao, do đó khi ứng dụng thiết bị này sẽ hỗ trợ cho phẫu thuật viên tránh va chạm vào các dây thần kinh quặt ngược.

Không chỉ có ý nghĩa với bệnh nhân, theo các chuyên gia của Bệnh viện Tai mũi họng TW, thiết bị này còn có ý nghĩa bảo vệ cả phẫu thuật viên, giúp cho phẫu thuật viên có đủ bằng chứng chứng minh cuộc mổ thành công và quá trình phẫu thuật không chạm vào các dây thần kinh quan trọng đó khi không may xảy ra các vấn đề pháp lý liên quan đến cuộc phẫu thuật

Thái Bình

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-ung-dung-thiet-bi-bao-ve-day-than-kinh...