2023
Viêm mũi xoang khi nào cần phẫu thuật?
Viêm mũi xoang là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Viêm mũi xoang là gì?
Viêm xoang hay còn được gọi là viêm mũi xoang, là một bệnh hay gặp ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Viêm mũi xoang là bệnh viêm niêm mạc mũi và viêm xoang cạnh mũi.
Biểu hiện của bệnh viêm mũi xoang:
Người bệnh viêm mũi xoang sẽ có các triệu chứng như:
- Ngạt mũi
- Chảy mũi
- Đau nhức vùng mặt
- Giảm khứu giác
- Gây ho
Viêm mũi xoang được chia làm hai nhóm chính: Viêm mũi xoang cấp tính và viêm mũi xoang mãn tính.
ThS.BSCKII Hà Minh Lợi giải đáp thông tin về viêm mũi xoang.
Trong viêm mũi xoang cấp tính, có hai nguyên nhân thường gặp nhất là virus (chiếm khoảng 90%). Tiếp đến là vi khuẩn, trong viêm xoang cấp tính có thể gặp do vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis.
Trong viêm mũi xoang mãn tính, có nhiều căn nguyên gây ra bệnh và tác động đến mũi xoang nhiều hơn. Ngoài các yếu tố về virus, vi khuẩn còn có các yếu tố toàn thân như: dị ứng, các bệnh lý di truyền và miễn dịch. Ngoài ra còn có yếu tố tại chỗ, môi trường.
Các phương pháp điều trị viêm mũi xoang
Đối với điều trị viêm mũi xoang cấp tính được chia theo 3 thể: cấp do virus, sau virus và cấp do vi khuẩn.
- Viêm mũi xoang cấp do virus và sau virus: phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như nâng cao thể trạng, hạ sốt, chống ngạt mũi, rửa mũi…
- Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, cần lựa chọn kháng sinh theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Thông thường bệnh nhân sẽ điều trị các kháng sinh theo phác đồ trong vòng từ 7-10 ngày. Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp tại chỗ như rửa mũi, xịt mũi… giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Đối với điều trị viêm xoang mãn tính, cần căn cứ vào căn nguyên gây bệnh để có phác đồ điều trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ được kết hợp điều trị phương pháp nội khoa và ngoại khoa khi có chỉ định.
Theo khuyến cáo, người bệnh khi điều trị viêm mũi xoang có thể bổ sung các thực phẩm chứa vitamin C, kẽm.
Viêm mũi xoang khi nào cần phẫu thuật?
Viêm mũi xoang cần phẫu thuật khi nào? Thứ nhất, trường hợp viêm mũi xoang điều trị đúng phác đồ mà không cải thiện triệu chứng. Bệnh nhân vẫn có triệu chứng ngạt mũi, chảy mũi, đau nhức vùng mặt.
Thứ hai là trường hợp viêm mũi xoang có tình trạng polyp độ 3 độ 4 mũi gây tình trạng ngạt mũi, chảy mũi nhiều.
Hoặc khi viêm mũi xoang có biến chứng ổ mắt, thần kinh, viêm mũi xoang dai dẳng hay tái phát thì cần phẫu thuật.
Trong một số trường hợp người bệnh viêm mũi xoang sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Cảnh báo thói quen không tốt khi chăm sóc viêm mũi xoang
Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi xoang đa số là ngạt mũi, chảy nước mũi. Thông thường các bệnh nhân hay tự ý mua thuốc và thường được kê các thuốc xịt điều trị triệu chứng. Trong các thuốc xịt được bán không kê đơn thường có chứa corticoid nồng độ cao. Khi sử dụng có thể hết ngay các triệu chứng. Tuy nhiên khi có thể gây các tác dụng phụ toàn thân trong đó nguy hiểm nhất là suy tuyến thượng thận. Trong viêm mũi xoang cấp hoặc viêm mũi xoang mãn tính nếu điều trị không đúng cách sẽ có nguy cơ gặp biến chứng về mắt. Có rất nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng mắt sưng, lồi, đau nhức nhiều. Lúc này bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật cấp cứu để xử trí.
Để phòng bệnh viêm mũi xoang người bệnh cần nâng cao thể trạng, tăng cường tập thể dục. Bên cạnh đó cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi có viêm mũi xoang đợt cấp hoặc làm việc sinh hoạt trong môi trường nhiều bụi bẩn có thể tăng cường vệ sinh mũi bằng cách rửa mũi. Ngoài ra cần tránh các thói quen không tốt như hút thuốc lá, rượu bia.
ThS.BSCKII Hà Minh Lợi
Trưởng khoa Mũi xoang - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương