24 T01
2022

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tổ chức hoạt động “về nguồn”

Nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, sáng ngày 14/01 và 19/01 đoàn Lãnh đạo Bệnh viện, Lãnh đạo tiền nhiệm và các đoàn thể chính trị xã hội Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương do PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã tổ chức hoạt động “về nguồn”: thăm khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và viếng mộ hai vị cố Viện trưởng Viện Tai - Mũi - Họng (nay là Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương): GS Trần Hữu Tước (1913-1983) cố Viện trưởng đầu tiên của Viện tại Nghĩa trang Mai Dịch, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, GS.TS Lương Sỹ Cần (1928-2010) tại Nghĩa trang Thiên Đức, xã Trung Giáp, Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Đoàn cán bộ Bệnh viện dâng hương tưởng nhớ cội nguồn tại khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng

Theo đó, sáng ngày 14/01,Đoàn cán bộ Bệnh viện đã khởi hành và dừng chân tại ATK Việt Bắc nay là thôn 5, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thăm và dâng hương tại khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng. Bệnh khoa được thành lập năm 1953 trong an toàn khu (ATK) của Trung ương ở Việt Bắc đặt nền móng cho sự phát triển chuyên ngành Tai Mũi Họng và phẫu thuật Đầu Cổ. Trong hai năm 1953 –1954 là thời kỳ đầy biến động và thử thách, ngành Y tế và Bệnh khoa Tai Mũi Họng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phục vụ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ và nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo huy động được tối đa sức dân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để ghi nhận sự gắn bó mật thiết giữa Bệnh khoa Tai Mũi Họng và nhân dân địa phương, sự đóng góp to lớn của Bệnh khoa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thương bệnh binh thời chiến... cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử và tham quan du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã công nhận, gắn mốc và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng. Năm 2015, khu Di tích đã được xây dựng và khánh thành tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Đoàn cán bộ Bệnh viện thăm viếng mộ GS-TS Lương Sỹ Cần và cụ bà Trần Thị Hạnh

Cùng ngày, Đoàn cán bộ Bệnh viện cũng đã đến dâng hương viếng mộ GS.TS Lương Sỹ Cần (1928-2010) cố Viện trưởng Viện Tai - Mũi - Họng tại Nghĩa trang Thiên Đức, xã Trung Giáp và Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông là người đầu tiên đưa các kỹ thuật phẫu thuật tai vào Việt Nam và cũng là người hoàn thiện, tiên phong sử dụng phương pháp vi phẫu thuật thanh quản phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân dưới kính hiển vi. Giáo sư hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu (bệnh lý tai và xương chũm, điếc và phẫu thuật điếc, thính học; bệnh lý dây thần kinh mặt, tiền đình học; thanh khí phế quản và thực quản; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính,…) và còn là tác giả của 52 công trình khoa học được công bố trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế.

Trong thời gian lãnh đạo Viện Tai Mũi Họng, kiêm Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, GS.TS Lương Sỹ Cần có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, như: Ủy ban II Hà Lan, tổ chức REI của Mỹ, tổ chức Y tế thế giới, tổ chức SIDA của Thụy Điển, quỹ Tai Mũi Họng nông thôn Thái Lan, hợp tác với ngành Tai Mũi Họng của Pháp trong đào tạo nội trú, đưa Việt Nam gia nhập Hiệp hội Tai Mũi Họng quốc tế (IFOS). Trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận, những nỗ lực của GS.TS Lương Sỹ Cần mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với các nước đã tạo điều kiện để ngành Tai Mũi Họng Việt Nam giao lưu, tiếp thu những kỹ thuật và kiến thức mới.

Đây là dịp để người thân, các đồng nghiệp, học trò trong Bệnh viện viếng thăm và tưởng nhớ về cuộc đời, sự nghiệp GS.TS Lương Sỹ Cần cũng như những gì Giáo sư đã cống hiến cho ngành Tai Mũi Họng nói chung, Bệnh viện Tai Mũi Họng nói riêng. Giáo sư là người định hướng phát triển về mặt khoa học kỹ thuật và con người để Bệnh viện Tai Mũi Họng và ngành Tai Mũi Họng phát triển được như ngày nay. Trên cương vị Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng, GS.TS Lương Sỹ Cần đã tiếp nối sự nghiệp của GS Trần Hữu Tước để phát triển các chuyên khoa sâu như tai, thính học, ung thư, mũi xoang, thanh quản… phù hợp với xu thế y học của thế giới. Ông đã lập ra phòng chỉ đạo tuyến, qua đó xây dựng cơ sở và đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ bác sĩ tai mũi họng ở các địa phương trên cả nước.

Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo và đại diện các đoàn thể chính trị xã hội Bệnh viện dâng hương tại mộ Giáo sư Trần Hữu Tước

Theo hành trình “uống nước nhớ nguồn”, sáng ngày 19/01, Đoàn tiếp tục thăm viếng và dâng hương mộ Giáo sư Trần Hữu Tước (1913-1983) cố Viện trưởng đầu tiên Viện Tai - Mũi - Họng tại Nghĩa trang Mai Dịch, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Giáo sư Trần Hữu Tước là một trí thức Việt Nam được đào tạo bài bản về y khoa, dù có một tương lai hứa hẹn tại Pháp, nhưng bác sĩ Trần Hữu Tước vẫn cùng một số nhà trí thức, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về phục vụ quê hương. Ông là một trí thức Cách mạng tiêu biểu, một người thầy thuốc mẫu mực, một tấm gương sáng về tài năng và y đức của nền y tế Cách mạng.
Giáo sư Trần Hữu Tước đã dành nhiều công sức đào tạo, bổ túc và xây dựng đội ngũ cán bộ và mạng lưới Tai Mũi Họng trên toàn miền bắc, đảm nhận thêm trách nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1958-1969), sau đó được cử làm Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng (năm 1969) khi đơn vị được thành lập. Cả cuộc đời, ông đóng góp toàn bộ trí tuệ và sức lực để xây dựng ngành Tai Mũi Họng hoàn chỉnh, đưa ngành Tai Mũi Họng của Việt Nam tiến lên vừa có trình độ quốc tế, vừa làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu, chuyên sâu của ông được tập trung vào các lĩnh vực: ung thư tai - mũi - họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản), viêm tai - xương chũm hài nhi; apxe não và tiểu não do tai, điếc trẻ em, dị ứng trong tai - mũi - họng, nội soi...

Đã 39 năm từ khi cuộc đời GS.BS Trần Hữu Tước khép lại nhưng những cống hiến không biết mệt mỏi và tình cảm chân thành mà ông dành cho ngành y cũng như sự ghi nhận, biết ơn của bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân dành cho ông vẫn luôn còn mãi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần phấn đấu, nghị lực vươn lên vượt qua khó khăn để đạt tới đỉnh cao trong khoa học, đem tài năng và sức lực cống hiến nhiều nhất, thiết thực nhất cho Tổ quốc.
Trong không khí trang nghiêm, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo bệnh viện đã dâng hương tưởng nhớ, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa” sâu sắc với các thế hệ đi trước.

Hành trìnhvề nguồn thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc cho Đoàn cán bộ Bệnh viện. Hành trình là bài học thực tế về lòng tự hào dân tộc, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa” đối với mỗi cán bộ Bệnh viện, tạo cơ hội để các thành viên trong đoàn được giao lưu, học hỏi, tăng cường tình đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.