2024
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tổ chức hoạt động “Về nguồn”
Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, sáng ngày 18/01, đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương do PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức hoạt động “Về nguồn”: Thăm khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Viếng mộ vị cố Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng (nay là Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) GS.TS Lương Sỹ Cần (1928-2010) tại Nghĩa trang Thiên Đức, xã Trung Giáp - Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; Chúc Tết Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Hồng ở xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Tham gia hoạt động còn có ThS. Đỗ Việt Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện, TS. Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện cùng Lãnh đạo tiền nhiệm, đại diện Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ, Đoàn Thanh niên, Hội Điều dưỡng, phòng Công tác Xã hội, phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Đoàn cán bộ Bệnh viện đã đến thăm và dâng hương khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc nay là thôn 5, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh khoa được thành lập đầu năm 1953 ở An toàn khu (ATK) của Trung ương ở Việt Bắc đặt nền móng cho sự phát triển chuyên ngành Tai Mũi Họng và phẫu thuật Đầu Cổ. Trong hai năm 1953 - 1954 là thời kỳ đầy biến động và thử thách, ngành Y tế và Bệnh khoa Tai Mũi Họng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phục vụ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ và nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo huy động được tối đa sức dân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để ghi nhận sự gắn bó mật thiết giữa Bệnh khoa Tai Mũi Họng và nhân dân địa phương, sự đóng góp to lớn của Bệnh khoa đầu tiên trong việc đặt nền móng và phát triển ngành Tai Mũi Họng của nước nhà cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử và tham quan du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã công nhận, gắn mốc và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng. Năm 2015, khu Di tích đã được xây dựng và khánh thành tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Tại Khu di tích, Đoàn đã dâng hương tưởng nhớ cố Giáo sư Trần Hữu Tước (1913 - 1983), người đặt nền móng đầu tiên cho Bệnh khoa Tai Mũi Họng tại An toàn khu Việt Bắc. Ông là cố Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai - Mũi - Họng, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, người sáng lập và xây dựng ngành Tai Mũi Họng Việt Nam.
GS Trần Hữu Tước là một trí thức Việt Nam được đào tạo bài bản về y khoa, dù có một tương lai hứa hẹn tại Pháp, nhưng GS Trần Hữu Tước vẫn cùng một số nhà trí thức, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về phục vụ quê hương. Ông là một trí thức Cách mạng tiêu biểu, một người thầy thuốc mẫu mực, một tấm gương sáng về tài năng và y đức của nền y tế Cách mạng. GS Trần Hữu Tước đã dành nhiều công sức đào tạo, bổ túc và xây dựng đội ngũ cán bộ và mạng lưới Tai Mũi Họng trên toàn miền bắc, đảm nhận thêm trách nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1958-1969), sau đó được cử làm Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng (năm 1969) khi đơn vị được thành lập. Cả cuộc đời, Ông đóng góp toàn bộ trí tuệ và sức lực để xây dựng ngành Tai Mũi Họng hoàn chỉnh, đưa ngành Tai Mũi Họng của Việt Nam tiến lên vừa có trình độ quốc tế, vừa làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu, chuyên sâu của ông được tập trung vào các lĩnh vực: ung thư tai - mũi - họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản), viêm tai - xương chũm hài nhi; apxe não và tiểu não do tai, điếc trẻ em, dị ứng trong tai mũi họng, nội soi...
Tưởng nhớ đến Giáo sư - Tiến sĩ Lương Sỹ Cần (1928-2010) - cố Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng, Đoàn công tác cũng đã tới viếng thăm mộ của Ông tại Nghĩa trang Thiên Đức, xã Trung Giáp - Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
GS.TS Lương Sỹ Cần là người đầu tiên đưa các kỹ thuật phẫu thuật tai vào Việt Nam và cũng là người hoàn thiện, tiên phong sử dụng phương pháp vi phẫu thuật thanh quản phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân dưới kính hiển vi. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu (bệnh lý tai và xương chũm, điếc và phẫu thuật điếc, thính học; bệnh lý dây thần kinh mặt, tiền đình học; thanh khí phế quản và thực quản; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính…) và là tác giả của 52 công trình khoa học được công bố trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Đồng thời dành nhiều thời gian dịch tài liệu chuyên ngành để phục vụ hoạt động giảng dạy và đào tạo. Trong thời gian lãnh đạo Viện Tai Mũi Họng Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, GS.TS Lương Sỹ Cần có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, như: Ủy ban II Hà Lan, tổ chức REI của Mỹ,... Tuy điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận, GS.TS Lương Sỹ Cần vẫn cống hiến hết sức mình mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với các nước, tạo điều kiện để ngành Tai Mũi Họng Việt Nam giao lưu, tiếp thu những kỹ thuật và kiến thức mới.
Cũng trong chuỗi hoạt động “Về nguồn”, Đoàn cán bộ Bệnh viện cũng đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Hồng ở thôn Trò, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Mẹ Lương Thị Hồng sinh năm 1937, mẹ có 8 người con, trong đó có 2 người con là liệt sĩ Ma Văn Tuyên và liệt sĩ Ma Văn Thị đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015, Mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhân dịp Tết Nguyên đán, tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện Đoàn cán bộ Bệnh viện, TS. Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện đã ân cần thăm hỏi, tặng quà, chúc Mẹ thật nhiều sức khỏe để vui sống với con cháu, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, công lao của Mẹ, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Như vậy đến nay, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã vinh dự được đảm nhận việc phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe suốt đời cho 03 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trước đó, Bệnh viện đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Vũng Tàu và tại Tuyên Quang cho đến khi 02 Mẹ qua đời.
“Về nguồn” là hoạt động thường niên được tổ chức để cán bộ nhân viên Bệnh việnTai Mũi Họng Trung ương có dịp bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với những công lao to lớn của các thế hệ đi trước và là hoạt động thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bệnh viện trong công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong những năm qua Bệnh viện luôn phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, phấn đấu thi đua góp phần xây dựng tập thể Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương ngày càng vững mạnh.
Một số hình ảnh của hoạt động “Về nguồn”:
Đoàn cán bộ Bệnh viện đến thăm và dâng hương khu di tích Bệnh khoa Tai Mũi Họng tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc
Đoàn cán bộ Bệnh viện dâng hương tưởng nhớ cố Giáo sư Trần Hữu Tước - cố Viện trưởng đầu tiên Viện Tai - Mũi - Họng
Đoàn cán bộ Bệnh viện thăm viếng mộ GS.TS Lương Sỹ Cần và cụ bà Trần Thị Hạnh
Đoàn cán bộ Bệnh viện tới thăm hỏi và tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Hồng