15 T07
2022

Bị đâm vào mặt, dị vật là cây đũa dài gần 7cm đâm xuyên từ mắt qua xoang hàm vào nền sọ người đàn ông

Ngày 22/6/2022, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật gắp dị vật là đoạn đũa dài gần 7cm nằm xuyên từ mắt qua xoang hàm vào nền sọ anh N.Q.T (36 tuổi, ngụ tại Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội).

Trước đó 3 tháng, anh T. bị người khác dùng đũa đâm vào mắt phải khi xô sát, chiếc đũa sau đó bị bẻ gãy. Bệnh nhân đã tới Bệnh viện Mắt Trung ương sơ cứu lấy mẩu vụn dị vật, khâu vết thương và điều trị uốn ván hơn một tháng. Tuy nhiên, qua chụp phim, các bác sĩ thấy còn hình ảnh nghi ngờ là dị vật trong xoang nên chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, anh T. nhập viện trong tình trạng khó há miệng, đau tức vùng cơ cắn, vận nhãn mắt phải bị hạn chế. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật nằm tại vùng mắt – xoang hàm – hố chân bướm hàm phải.

ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: Dị vật đâm xuyên từ góc trong ổ mắt qua sàn ổ mắt vào thành sau của xoang hàm và đâm vào hố chân bướm hàm, đây là vị trí của động mạch cảnh đi qua nên nguy cơ chảy máu khi rút dị vật ra tương đối lớn. Hơn nữa, dị vật dài gần 7cm đi qua góc trong ổ mắt và xuyên xuống sàn của hốc mắt sẽ ảnh hưởng đến nhãn cầu và cơ vận nhãn của bệnh nhân. Theo đó, phương án phẫu thuật phải đảm bảo lấy được toàn bộ dị vật dài hơn 7cm mà vẫn kiểm soát được tình trạng chảy máu tại thành sau của xoang hàm.

Hình ảnh CT Scanner dị vật

Sau khi hội chẩn, các chuyên gia đưa ra hai phương án phẫu thuật: Phương án đầu tiên là phẫu thuật theo đường ngoài, mở bờ góc trong của hốc mắt để lấy dị vật ra. Tuy nhiên, dị vật dài và xuyên qua ba thành xương (bờ trong của hốc mắt, sàn của hốc mắt, thành sau của xoang hàm) nên khi rút dị vật ra có thể rất khó khăn đặc biệt là việc cầm máu. Nếu phẫu thuật theo đường nội soi mũi xoang thông thường cũng không thể làm đủ thao tác để kiểm soát được lỗ thủng tại thành sau của xoang hàm và kiểm soát chảy máu. Phương án thứ hai là phẫu thuật theo đường Caldwell Luc, mở đường rãnh lợi môi và mở mặt trước của xoang hàm, tạo một khoảng tương đối rộng rãi, dễ dàng thao tác để kiểm soát chảy máu khi rút dị vật ra khỏi thành sau xoang hàm. Bên cạnh đó, do dị vật quá dài nên để lấy ra dễ dàng hơn, cần cắt dị vật thành đoạn nhỏ trong lòng xoang hàm bằng khoan phá dùng trong tai. Một khó khăn nữa, bởi một số lý do khách quan nên bệnh nhân không thể chụp mạch xóa nền để đánh giá tổn thương mạch trước khi mổ, vì vậy, vẫn phải kiểm soát chảy máu.

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng nhiều lần và được sự đồng thuận của bệnh nhân cùng gia đình, kíp mổ quyết định phẫu thuật nội soi mở xoang hàm phải theo đường Caldwell Luc. Công tác chuẩn bị như dự trù máu, keo sinh học, các vật liệu cầm máu khác được thực hiện đầy đủ trước khi phẫu thuật.

ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu cùng ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân

Theo đó, kíp mổ đã tiến hành mở rộng mặt xoang hàm, thấy dị vật nằm phía thành trong của xoang hàm. Rất may mắn, vùng xung quanh đã bị viêm nên di vật có thể di động được. Tuy nhiên, dị vật đâm xuyên chéo vào trong xương chính mũi, không thể rút ra dễ dàng. Vì vậy, các bác sĩ đã thực hiện cắt phần dưới của dị vật tại khu vực sát sàn của hốc mắt bằng khoan, bởi nếu dị vật lỏng, tụt vào hố chân bướm hàm thì không thể lấy ra được. Sau khi cắt thành công, đầu dưới dị vật được lấy ra khỏi vùng hố chân bướm hàm và không chảy máu nhiều, có thể kiểm soát được. Các bác sĩ tiếp tục kéo dị vật từ trên xuống dưới, nhưng do dị vật vẫn khá dài, không thể lấy ra nên kíp mổ quyết định tiếp tục cắt dị vật thành một đoạn nữa.

Dị vật dài gần 7cm được lấy ra từ vùng mắt – xoang hàm phải của người bệnh

Sau những cố gắng, tỉ mỉ của các bác sĩ, dị vật được cắt thành ba đoạn nhỏ và không làm ảnh hưởng đến nhãn cầu, kíp mổ đã lấy được toàn bộ dị vật và ghép lại thành một mảnh đũa dài gần 7cm.

Để cầm máu hốc mổ, những vật liệu cầm máu đã được đặt vào xoang hàm, che kín các lỗ thủng do dị vật đâm xuyên, hoàn toàn kiểm soát được chảy máu.

Bệnh nhân hiện tại đã hoàn toàn hồi phục. Tình trạng hốc mũi ổn định, vùng mặt trước xoang hàm đã hết phù nề, thị lực 10/10 và vận nhãn chưa bị ảnh hưởng.

“Sau khi được mổ lấy dị vật, tôi cảm thấy bớt đau, dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi rất biết ơn các bác sĩ cùng ê kíp mổ của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã phẫu thuật cho tôi bằng tất cả sự tận tâm và chu đáo. Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều!” – Anh N.Q.T rạng rỡ chia sẻ.

Anh N.Q.T đã hồi phục sau 5 ngày phẫu thuật

ThS.BS Trần Hữu Thắng khuyến cáo: Dị vật bị nằm trong cơ thể, nhất là vùng đầu mặt cổ có thể gây nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của các cơ quan, thậm trí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi gặp tình huống tương tự, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để được điều trị kịp thời. 

Nguyễn T. Phương Anh