12 T03
2020

Cấp cứu hóc viên thuốc cả vỏ chuyện không nhỏ ở người lớn tuổi

Ngày nay, việc mua thuốc chữa bệnh đã trở nên vô cùng dễ ràng, một số người dân thường tự ý đến các quầy thuốc để mua khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe mà không cần có đơn thuốc hoặc tư vấn từ các bác sỹ. Do đó có không ít tai biến đã xẩy ra trong qua trình dùng thuốc, thậm trí có trường hợp còn nguy hiểm đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người sử dụng. Trường hợp người bệnh dưới đây là một ví dụ điển hình cho việc dùng thuốc khi không có sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

Theo đó, kíp trực cấp cứu ngày 28/2/2020, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương có tiếp nhận người bệnh T.T.Th. 60 tuổi, thường trú tại Sóc Sơn, Hà Nội với chẩn đoán sơ bộ ban đầu là nghi dị vật thực quản – viên thuốc còn vỏ cứng.

Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết cách vào viện 1 ngày, bệnh nhân có đau họng, ho, tự ra hiệu thuốc mua thuốc để uống. Thuốc gồm nhiều loại, có loại đã bóc rời không rõ tên, có loại cắt nhỏ thành từng viên nhưng vẫn còn vỏ cứng. Đến tối cùng ngày, trong quá trình uống thuốc, do có nhiều loại thuốc khác nhau uống cùng lúc và bệnh nhân uống vội không để ý, dẫn tới khả năng uống lẫn cả viên thuốc còn vỏ cứng chưa bóc. Sau khi uống bệnh nhân thấy nuốt đau, nuốt vướng nhiều, có tự chữa mẹo, cố ăn cố nuốt thêm không đỡ, bệnh nhân cảm giác ngày càng đau nhiều nên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám và điều trị.

Tình trạng lúc vào: Bệnh nhân tỉnh, không sốt. Nuốt đau, nuốt vướng nhiều. Không ho khạc máu, không khó thở. Khám lọc cọc thanh quản cột sống còn, quay cổ không hạn chế. Nội soi hạ họng thấy ứ đọng ít đờm rãi, không thấy có dị vật. Bệnh nhân được chỉ định chụp phim X- quang cổ nghiêng, thấy có hình ảnh nghi dị vật ít cản quang  ngang mức đốt sống cổ 7 (C7).

Bệnh nhân được kíp trực chẩn đoán là dị vật thực quản (theo dõi viên thuốc còn vỏ cứng) ngày thứ 2 và được chỉ định gây mê nội soi gắp dị vật.

Trong quá trình soi gắp, khi đưa ống soi tới vị trí cách cung răng trên 16cm thì phát hiện ra dị vật là viên thuốc vẫn còn vỏ cứng, cắm ngang theo vị trí 3h-9h. Quá trình soi gắp gặp một số khó khăn: Thứ nhất là kích thước dị vật lớn hơn so với đường kính ống soi gắp, thứ 2 là đặc thù của dị vật là có cạnh 2 bên sắc nhọn, nếu cố lôi dị vật ra sẽ nguy cơ gây xước, rách thậm chí là thủng thực quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Đánh giá tình hình, các bác sỹ trong kíp trực đã cố gắng dùng dụng cụ vặn các mép – phần sắc nhọn của dị vật vào trong, thu nhỏ kích thước dị vật và đưa dị vật vào trong lòng ống, sau đó lấy dị vật ra ngoài là một viên thuốc còn vỏ, hình chữ nhật, kích thước 2,2 x 2 cm. Nội soi kiểm tra lại thấy lòng thực quản tại vị trí dị vật cắm xây xước nhẹ, không có tổn thương khác do đó không có chỉ định đặt sonde dạ dày.

Hình ảnh dị vật trên phim XQ

Hình ảnh dị vật đã được lấy ra

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, nuốt còn đau ít, tự ăn uống qua đường miệng. Bệnh nhân được theo dõi tại khoa cấp cứu ổn định và đã được xuất viện sau đó.

Qua đây, các Bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cảnh báo tới người dân về tình trạng sử dụng thuốc: Thứ nhất, khi có các triệu chứng bệnh lý, nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh tình trạng tự ý đến các hiệu thuốc mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định và tư vấn của các bác sỹ. Thứ hai, các loại thuốc không có nhãn mác rõ ràng, rất khó kiểm soát liều lượng, loại dược chất, có thể bị dị ứng thuốc. Thứ ba, trước khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ các loại thuốc, liều dùng, đường dùng theo chỉ dẫn của bác sỹ, đặc biệt chú ý đối với các loại thuốc cắt lẻ đã được bóc vỏ hay chưa, tránh tình trạng bị hóc dị vật như người bệnh kể trên. Đối với những người bệnh lớn tuổi, người bệnh sa sút trí tuệ, mắt kém, cần có sự hỗ trợ từ người nhà hoặc nhân viên y tế... Cuối cùng, người dân khi nghi có hóc dị vật, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí càng sớm càng tốt, không nên tự ý chữa mẹo hoặc cố móc họng, cố ăn hay cố nuốt sẽ làm tình trạng phù nề, nhiễm trùng …càng nặng hơn dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.

Tin bài: Thanh Minh