20 T03
2025

CHƯƠNG TRÌNH “ĐĂNG KÝ HIẾN TẶNG MÔ, TẠNG – CHO ĐI LÀ CÒN MÃI”

Trong suốt chiều dài lịch sử y học, việc ghép mô, tạng đã đánh dấu những bước tiến vượt bậc, trở thành “phép màu” giúp hồi sinh hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.  Kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992, đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới. Tính đến hết tháng 8/2024, tổng số ca ghép tạng đã được thực hiện tại Việt Nam là 9.089 ca, trong đó có 8.331 ca ghép thận, 649 ca ghép gan, 90 ca ghép tim và nhiều ca ghép khác như ghép phổi, ghép chi trên, ghép ruột. 

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực ghép tạng, tuy nhiên, cầu luôn vượt quá cung – số lượng bệnh nhân chờ ghép tạng ngày càng tăng cao, trong khi nguồn tạng hiến tặng lại vẫn còn khan hiếm.

Thống kê từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2024 đã có hơn 95.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não, nhưng số ca ghép được thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay so với nhu cầu thực tế. Phần lớn mô, tạng được ghép vẫn chủ yếu từ người hiến sống - người thân trong gia đình, trong khi nguồn hiến từ người qua đời vẫn còn rất hạn chế do rào cản tâm lý của nhiều người Việt Nam cho rằng người chết cần phải toàn thây và nhận thức cộng đồng về hiến tạng còn chưa cao.

Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện không chỉ là một chiến dịch vận động, mà còn là hành trình thay đổi nhận thức, giúp mỗi người hiểu rằng hiến mô, tạng là tiếp nối sự sống, là di sản cao quý nhất để lại cho đời.

Ngày 17/5/2024, phát động Chương trình “Đăng ký hiến tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi: “Mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.”

Cũng tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương phát động  Chương trình Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể trong toàn thể cán bộ viên chức, người lao động nhằm tăng cường tuyên truyền, lan tỏa tinh thần “Tương thân, tương ái”, góp phần chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng cứu người - một nghĩa cử cao đẹp, biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người, vì cộng đồng.

Thật lãng phí khi hàng ngày, chúng ta vẫn vùi chôn vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô tạng quý giá. Chúng ta nên đăng ký hiến tạng với trách nhiệm và hơn hết là lòng trắc ẩn đối với thân nhân. Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, cũng hài lòng yên nghỉ và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo.

Đăng ký hiến mô, tạng là quyết định dũng cảm và đầy tình yêu thương. Hãy cùng nhau góp phần thay đổi tương lai, mở ra cánh cửa hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi ghép tạng. Sự sống có thể tiếp nối từ chính sự sẻ chia của bạn.